VIẾT BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT | GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA DÂN TỘC

Ngày 14/01/2025 10:13:45, lượt xem: 43

Nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết là một dạng bài viết quan trọng mà lớp 9 cần đặc biệt chú ý. Dưới đây là bài viết mẫu chi tiết cho đề văn nghị luận về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc do Học Văn Chị Hiên biên soạn. Các bạn lưu lại để tiện tham khảo và áp dụng vào bài viết của mình.

 

 

Đề bài: Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc là trách nhiệm của tất cả chúng ta đặc biệt là thế hệ trẻ. Với tình hình hiện nay, nhiều nét đẹp văn hóa đang dần bị mai một. Em có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề trên? Hãy trình bày ý kiến của mình bằng một bài văn nghị luận.

 

Bài làm 

Tại chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, sau khi hoàn thành tiết mục “Trống cơm” đầy ấn tượng, Nghệ sĩ nhân dân Tự Long đã bộc bạch: “Ca khúc “Trống cơm” làm về văn hóa. Văn hóa là bản chất, văn hóa là cội nguồn, văn hóa là dân tộc. Câu chuyện văn hóa mà chúng tôi muốn kể chính là tiếp nối giá trị truyền thống, muốn những người trẻ ngày hôm nay hiểu hơn, tiếp cận hơn, để thêm yêu vốn cổ dân tộc.” Lời tâm sự đó của Nghệ sĩ nhân dân Tự Long đã khiến chúng ta phải suy nghĩ về câu hỏi: Với tính hình hiện nay,  chúng ta cần làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc? 

Văn hóa là một hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên, xã hội. Văn hóa như điểm tựa tinh thần vững chắc, là cầu nối giữa con người với con người trong một đất nước. Đó cũng chính là “dấu vân tay” để phân biệt quốc gia này với quốc gia khác trên trường quốc tế. 

 

ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT SỐ 3 BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG - LỚP 9 | VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT (Trong đời sống học sinh hiện nay)

 

Hiện nay, văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ dần bị lãng quên trong đời sống tinh thần của nhiều người. Nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, hát xẩm, múa rối,… đang dần mai một, không còn nhận được sự quan tâm, đón nhận của công chúng, nhất là giới trẻ. Thực trạng đáng buồn đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, văn hóa truyền thống bị phai nhạt do công tác tuyên truyền, đưa văn hóa đến gần hơn với giới trẻ chưa cao, chưa được chú trọng. Các nhà trường phổ thông chưa thực sự chú trọng, đầu tư trong việc giảng dạy văn hóa. Bên cạnh đó, tiếp thu không có chọn lọc các loại hình văn hóa mới trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này. Đặc biệt, điều này còn xuất phát từ việc nhiều loại hình văn hóa truyền thống chưa có sự đổi mới để bắt kịp với sự phát triển của thời đại, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Chính những nguyên nhân đó đã khiến nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đã dần chỉ còn trong kí ức của nhiều người. Đánh mất văn hóa truyền thống dân tộc đồng nghĩa với việc chúng ta tự tay đánh mất đi điểm tựa tinh thần. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, điều này cũng đặt đất nước trước nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc, hòa tan trên bảng “muôn hồng ngàn tía của nhân loại”.

 

ĐỌC THÊM: DÀN Ý BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT CHI TIẾT NHẤT - LỚP 9 | QUAN ĐIỂM "SỐNG XANH" VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ

 

Với tình hình hiện nay, nhiều loại hình văn hóa truyền thống bị mai một, chúng ta cần làm gì để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa? Trước hết, để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, chúng ta cần chú trọng trong công tác kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Có như vậy, các giá trị truyền thống mới bắt kịp xu thế của thời đại, phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của giới trẻ. Cùng với sự bùng nổ, sáng tạo, vừa truyền thống vừa hiện đại, tạo ấn tượng từ phần giai điệu đến trình diễn, các “anh tài” Nghệ sĩ nhân dân Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven đã hồi sinh và mang tới một đời sống mới cho ca khúc “Trống Cơm”. Điều này đã thu hút giới trẻ tiếp cận gần hơn tới những giai điệu dân gian quen thuộc. 

 

ĐỌC THÊM: DÀN Ý BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT CHI TIẾT NHẤT - LỚP 9 | TÌNH TRẠNG THIẾU NGUỒN NƯỚC SẠCH HIỆN NAY

 

Không chỉ vậy, chúng ta có thể sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram, … để lan tỏa, chia sẻ những nét đẹp văn hóa dân tộc tới bạn bè trong và ngoài nước. Nhận thức được những ưu điểm vượt trội của mạng xã hội, đã có không ít những bạn trẻ sử dụng công cụ này trong việc quảng bá, lan tỏa những nét đẹp văn hóa như đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái”, nghệ thuật múa rối nước, diễn tuồng, … Điều đó đã khơi gợi niềm tự hào và ý thức giữ gìn những nét đẹp truyền thống đối với mọi người xung quanh. Mới đây nhất, hình ảnh các em nhỏ chăm chú ghi chép những tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Lịch Sử Quân sự Việt Nam lan truyền trên mạng xã hội đã để lại nhiều ấn tượng và niềm tự hào về tinh thần yêu nước đối với mọi người. 

Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần lên án, tố cáo các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa. Đứng trước những hành vi như công kích những người giữ gìn những nét đẹp văn hóa trên mạng xã hội, lan truyền những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến giá trị truyền thống,… chúng ta cần lên án mạnh mẽ và tố cáo tới cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lí. Có như vậy, chúng ta mới có thể giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Đặc biệt, các nhà trường phổ thông cần tạo điều kiện giúp các học sinh có thể tiếp cận với các loại hình văn hóa truyền thống. Việc kết hợp diễn xướng và trải nghiệm thực tế các loại hình văn hóa, tham quan các bảo tàng văn hóa giúp các em tiếp cận gần hơn, hiểu hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống văn hóa dân tộc, từ đó khơi gợi trong các em tình yêu, niềm hứng thú, ý thức giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống. 

Việt Nam ta là một đất nước có bề dày văn hóa trường tồn cùng lịch sử. Sinh thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc. Người từng nói: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn… Do đó, nếu mất văn hóa là mất dân tộc”. Hôm nay và mai sau văn hóa ấy có phát triển bền vững hay không tất cả đều phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Chính vì vậy, chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - tinh hoa của dân tộc.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10

Khóa học Phương pháp và luyện đề lớp 9

Tin liên quan